Gyeongju 경주 | |
---|---|
— Thành phố — | |
Chuyển tự tiếng Hàn | |
• Hangul | 경주시 |
• Hanja | 慶州市 |
• Revised Romanization | Gyeongju-si |
• McCune-Reischauer | Kyŏngju-si |
Tập tin:Korea-Gyeongju-Landmarks-Montage-01.jpg Trên: công viên Tumuli; giữa trái: đài thiên văn Cheomseongdae; trung tâm: hang Seokguram; trung phải: Tháp Gyeongju; dưới trái: chùa Bulguksa; dưới phải: đầm Anapji. | |
![]() | |
Vị trí tại Hàn Quốc | |
Tọa độ: 35°51′B 129°13′Đ / 35,85°B 129,217°Đ | |
Quốc gia | Hàn Quốc |
Tỉnh | Gyeongsang Bắc |
Hành chính | 4 eup, 8 myeon, 11 dong, 305 ri |
Diện tích | |
• Tổng cộng | 1.324,39 km2 (51,135 mi2) |
Dân số (2008) | |
• Tổng cộng | 269.343 |
• Mật độ | 212/km2 (550/mi2) |
• Phương ngữ | Gyeongsang |
Thành phố kết nghĩa | Versailles, Thành phố Nara, Tây An, Tiêu Tác, Huế, Iksan, Nitra, Obama, Pompei, Samarkand |
Website | gyeongju.go.kr |
Gyeongju (phát âm tiếng Hàn:"kjəːŋdʑu", Hán Việt: Khánh Châu) là một thành phố ven biển nằm ở góc đông nam của tỉnh Gyeongsang Bắc tại Hàn Quốc.[1][2] Đây là thành phố lớn thứ nhì về diện tích sau Andong, với 1.324 km2 (511 dặm vuông Anh) và dân số theo điều tra năm 2008 là 269.343 người.[1][3] Gyeongju nằm cách 370 km (230 mi) về phía đông nam của Seoul,[4] và 55 km (34 mi) về phía đông của tỉnh lị Daegu.[5] Thành phố giáp với Cheongdo và Yeongcheon ở phía tây, Ulsan ở phía nam và Pohang ở phía bắc, còn phía đông giáp biển Nhật Bản.[1] Một số ngọn núi thấp thuộc dãy Taebaek nằm rải rác quanh thành phố.[6]
Gyeongju là kinh đô của vương quốc cổ Tân La (57 TCN – 935 SCN), vương quốc này từng kiểm soát hầu hết bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn từ thế kỷ 7 đến 9. Một lượng lớn các điểm khảo cổ và di sản văn hóa từ thời kỳ này vẫn còn hiện diện tại thành phố. Gyeongju thường được đề cập đến với biệt danh "bảo tàng không có những bức tường".[7][8] Trong số các di tích lịch sử đó, Seokguram (Thạch Quật am), Bulguksa (Phật Quốc tự), khu di tích lịch sử Gyeongju và làng dân gian Yangdong được công nhận là Di sản thế giới bởi UNESCO.[9][10] Việc có nhiều di tích lịch sử đã giúp Gyeongju trở thành một trong số các địa điểm du lịch quen thuộc nhất tại Hàn Quốc.[5][11]
Thành phố Gyeongju hợp nhất và huyện Gyeongju lân cận vào năm 1995 và nay là một nơi phức hợp thành thị-nông thôn.[12] Thành phố gồm 53 khu đô thị cỡ nhỏ và vừa khác nhau với dân số dưới 300.000 người.[13] Cùng với các di sản lịch sử phong phú của mình, Gyeongju ngày nay bị ảnh hưởng bởi các xu hướng kinh tế, nhân khẩu và xã hội đã định hình nền văn hóa Hàn Quốc hiện đại. Du lịch vẫn duy trì là ngành kinh tế chính, những các ngành chế tạo cũng được phát triển do vị trí gần gũi của thành phố với các trung tâm công nghiệp chính như Ulsan và Pohang. Gyeongju được kết nối với mạng lưới đường bộ và đường sắt quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và du lịch.[14][15][16]