Odyssey

"Odyssey" 
của Homer
Một bản thảo quyển I thế kỷ 15 được viết bởi kinh sư John Rhosos (Bảo tàng Anh)
Thời điểm sáng táck. thế kỷ 8 TCN
Ngôn ngữTiếng Hy Lạp Homer/ sử thi
Thể loạiSử thi
Số dòng12.109
Đọc trực tuyến"Odyssey" tại Wikisource
Nhịp (thơ)Thể sáu nhịp Daktylos

Odyssey (phát âm tiếng Anh: /ˈɒdəsi/;[1] tiếng Hy Lạp cổ: Ὀδύσσεια, đã Latinh hoá: Odýsseia, phát âm tiếng Hy Lạp: [o.dýs.seː.a]) là một trong hai thiên sử thi Hy Lạp cổ đại, cùng với sử thi Iliad, được cho là sáng tác bởi Homer. Đây là một trong những tác phẩm văn học lâu đời nhất còn tồn tại và vẫn phổ biến đối với độc giả đương đại. Tương tự Iliad, sử thi được chia thành 24 quyển. Câu chuyện theo chân người anh hùng Hy Lạp Odysseus, vua của Ithaca, và hành trình trở về nhà sau khi cuộc chiến thành Troia kết thúc. Sau mười năm chiến trận, Odysseus phải lưu lạc thêm mười năm nữa, đối mặt với bao hiểm nguy đã khiến toàn bộ thủy thủ đoàn đều thiệt mạng. Trong khi Odysseus vắng mặt và bị cho là đã chết, người vợ Penelope cùng con trai Telemakhos phải đối mặt với vô số những kẻ cầu hôn cạnh tranh nhau hòng cưới được Penelope để chiếm đoạt tài sản.

Odyssey nguyên gốc được sáng tác bằng ngôn ngữ Hy Lạp Homer, tức ngôn ngữ Hy Lạp sử thi, vào khoảng thế kỷ 8 hoặc 7 TCN, cho đến giữa thế kỷ 6 TCN, tác phẩm đã trở thành một phần của quy điển văn học Hy Lạp. Trong thời cổ đại, không có ai nghi ngờ liệu Homer có thực sự là tác giả của sử thi không, nhưng hiện nay, giới học thuật nghiêng về giả thuyết IliadOdyssey trên thực tế được sáng tác độc lập, hình thành từ những tích truyện truyền thuyết lâu đời. Vì phần lớn dân số không biết chữ nên sử thi chủ yếu được truyền bá qua hình thức diễn ca, truyền miệng.

Các đề tài quan trọng trong sử thi bao gồm: nostos (νόστος; "trở về"), phiêu lưu, xenia (ξενία; "lòng hiếu khách"), khảo nghiệm và điềm báo. Một số nhóm nhân vật như phụ nữ và nô lệ có vai trò nổi bật trong tác phẩm so với nhiều tác phẩm văn học cổ khác. Trọng tâm này đặc biệt đáng chú ý khi so sánh với Iliad, tác phẩm tập trung chủ yếu vào chiến tích của các chiến binh và thủ lĩnh trong Chiến tranh thành Troia.

Odyssey được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong hệ thống kinh điển phương Tây. Cho đến nay sử thi vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm chuyển thể và sáng tạo ở nhiều hình thức khác nhau. Odyssey đứng đầu danh sách những câu chuyện có sức ảnh hưởng lâu bền nhất trong lịch sử văn học từ cuộc thăm dò của BBC Culture năm 2018.[2]

  1. ^ “Odyssey”. Random House Webster's Unabridged Dictionary. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 2 năm 2016.
  2. ^ Haynes, Natalie. “The greatest tale ever told?”. BBC.com/culture (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2020.

From Wikipedia, the free encyclopedia · View on Wikipedia

Developed by Nelliwinne